Lượt xem: 231

Thu nhập tốt từ chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bồn bồn

Hằng chục năm qua, cây bồn bồn được nhiều bà con nông dân tại một số huyện như: Thạnh Trị, Mỹ Tú, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng phát triển trồng diện tích lên đến hàng trăm ha, vì cây bồn bồn nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí đầu tư nhưng lợi nhuận từ cây bồn bồn đem lại cho hộ trồng rất tốt, đặc biệt cây bồn bồn được thị trường ưa chuộng, đầu ra và giá bán ổn định. Từ lợi nhuận cây bồn bồn đem lại cho hộ dân, ông Nguyễn Hoàng Giới, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú chuyển đổi đất canh tác lúa kém hiệu quả, sang trồng bồn bồn trong nhiều năm qua đã đem lại nguồn thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm tại hộ.

 


Lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng của các địa phương, nhằm phát triển thành các sản phẩm OCOP. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Ruộng bồn bồn của ông Nguyễn Hoàng Giới có diện tích 6.000 m2 đã được 6 năm tuổi và vẫn cho thu hoạch thân cây mỗi ngày. Nhanh tay nhổ cây bồn bồn đưa cho chúng tôi xem chất lượng cây vẫn ổn định mặc dù đã trồng nhiều năm, ông Hoàng Giới tâm tình: “Nhờ trồng bồn bồn mà đời sống gia đình tôi được cải thiện rất nhiều trong các năm qua. So với cây lúa, cây bồn bồn cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần, bởi lúa canh tác 2 vụ/năm, năng suất lúa không cao do đất trũng phèn, nếu gặp thời tiết bất lợi xem như vụ mùa mất trắng. Thực tế với 6 công đất trồng lúa, nếu mùa vụ thuận lợi, số tiền lợi nhuận thu về khoảng 12 triệu đồng/2 vụ/năm. Còn cây bồn bồn, xuống giống khoảng 4 tháng đã cho thu hoạch và cho thu hoạch cây mỗi ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, ruộng bồn bồn trồng 6 năm tuổi vẫn cho năng suất tốt”.

    Cũng theo lời ông Hoàng Giới, với diện tích 6.000 m2 trồng bồn bồn, mỗi tháng thu hoạch hơn 600kg, bồn bồn sau thu hoạch xong được thương lái đến tận nhà thu mua, giá bán 18.000 đồng - 20.000 đồng/kg, trừ chi phí thuê nhân công, ông bỏ túi số tiền hơn 10 triệu đồng/tháng. Ngoài bán bồn bồn tươi, ông Hoàng Giới còn làm dưa để bán theo đơn đặt hàng của khách, bình quân mỗi tháng ông bán từ 20kg - 50kg dưa bồn bồn với giá bán 40.000 đồng/kg. Mặc dù cây bồn bồn dễ trồng, nhẹ công chăm sóc nhưng để thu hoạch bồn bồn đạt năng suất cao và chất lượng tốt, đều đặn 1 lần/tháng ông Giới sẽ tiến hành bón phân hạt cho toàn bộ diện tích ruộng bồn bồn, kèm theo đó là thường xuyên quan sát trên thân cây xem có bị sâu hại tấn công, sẽ sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học để phòng trị. Cây bồn bồn sống tốt, sống khỏe là phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước nên trong ruộng phải giữ lượng nước ổn định, khoảng nửa mét nước cho cây sinh trưởng.

    Để tăng nguồn thu nhập trong mô hình trồng bồn bồn, ông Hoàng Giới đã thả các loại như: Cá sặc bướm, cá sặc rằn, cá rô, cá lóc, cá trê vàng… vào trong ruộng bồn bồn, cá đồng thả trong ruộng bồn bồn không cần cho ăn thức ăn nên không tốn chi phí tiền thức ăn và ông nuôi thêm khoảng 40 con vịt đẻ trứng thả luôn vào ruộng trồng bồn bồn, cho đàn vịt ăn ốc bươu vàng để hạn chế ốc phá hại bồn bồn. Cá nuôi sẽ được thu hoạch 2 lần/năm, trừ chi phí lợi nhuận gần 20 triệu đồng/năm; đàn vịt đẻ trứng cũng cho thu nhập vài triệu đồng/năm từ tiền bán trứng vịt. Ngoài ra, quanh bờ bao ruộng trồng bồn bồn, ông Giới còn trồng thêm chuối cũng cho thu nhập mỗi tháng.

    Ông Nguyễn Hoàng Giới cho biết thêm: “Tính ra trồng bồn bồn có nhiều tiện lợi, vì kết hợp thêm được việc nuôi cá đồng do nước trong ruộng được giữ ổn định quanh năm. Còn quanh bờ bao trồng bồn bồn có thể trồng thêm các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày kết hợp chăn nuôi gia cầm. Thông qua hình thức trồng bồn bồn, kết hợp nuôi cá, nuôi gia cầm và trồng chuối trên bờ bao ruộng bồn bồn, 1 năm tôi có thu nhập hơn 140 triệu đồng trên diện tích đất trồng bồn bồn là 6.000 m2”.

    Đồng chí Nguyễn Thanh Điền – Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, cho biết: “Bồn bồn là một trong những loại cây trồng đặc trưng của vùng đất trũng phèn trên địa bàn huyện. Hiện diện tích trồng bồn bồn của huyện là 80 ha, để nâng cao giá trị, lợi thế sản phẩm bồn bồn, huyện đang xây dựng vùng nguyên liệu và mở rộng quy mô trồng bồn bồn; đồng thời, xét công nhận sản phẩm OCOP dưa bồn bồn Mỹ Tú. Để sản phẩm dưa bồn bồn đạt hạng sao OCOP cấp tỉnh, ngoài việc xây dựng vùng nguyên liệu, huyện còn vận động, khuyến khích, hướng dẫn bà con nông dân trồng bồn bồn theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, theo hướng hữu cơ và xây dựng thương hiệu sản phẩm bồn bồn, nhằm đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng tốt nhất và tạo được sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm bồn bồn, đặc biệt là tăng thu nhập cho người dân gắn bó lâu đời với sản phẩm bồn bồn”.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 3131
  • Trong tuần: 72,464
  • Tất cả: 11,866,491